Chú Giải Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXVIII Mùa Thường Niên (Lc 12,1-7) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ SÁU TUẦN TUẦN XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 12,1-7

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: 1,11-4

Trong Đức Kitô Giêsu, Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta là con cái Israel, làm dân riêng của Người …và cả anh em nữa, anh em đã được nghe Tin Mừng cứu-độ.

Công cuộc tìm kiếm sự hiệp nhất ngang qua những ước vọng của nhân loại xem ra chỉ là một giấc mơ đẹp, một ảo tưởng khó thực hiện, vì những rạn nứt sâu đậm, chia rẽ các sắc dân, các quốc gia và các môi trường..thì nay đã hiện thực cách biểu tượng qua sự hào giải giữa người “Do-thái” và các “dân ngoại” trong chính Đức Kitô. Phaolô, gốc Do-thái, trót đời đã bị ám ảnh bởi xác tín này, và đã hiến cuộc đời để dẫn đưa dân ngoại vào sống bình đẳng trong Hội Thánh.

Chúng ta là con cái Israel, chúng ta là những kẻ từ trước, đã đặt hy vọng vào Đức Kitô, để chúng ta ngợi khen vinh quang Người…

Đã có một làn sóng thứ nhất là : dân tộc Do-thái.

Đã có một “bài ca” thứ nhất : bài ca của cộng đồng hội-đường .

Cả anh em nữa, anh em đã được nghe lời chân lý, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần.

Đây là làn sóng thứ hai.

NGÀY NAY, người ta luôn có thể áp dụng chương trình của Thiên Chúa cho người thời đại chúng ta.

Cũng như vào thời Thánh Phaolô. Đã có nhiều người “ca ngợi” vinh quang Thiên Chúa, vì họ đã khám phá ra Đức Kitô …và có đoàn lũ vô số người trông đợi Tin Mừng và Đức tin.

Tôi có lưu ý đến cố gắng truyền giáo của Hội Thánh ngày nay không ? Tôi có cho tôi như là một người được đặc ân ( một kẻ thủ lợi) của Đức tin, hay như một Tông-đồ, tham gia vào chương trình hiệp nhất mọi người trong Đức Kitô không ?

Ân Chúa Thánh Thần.

Từ Hylạp này được dùng để chỉ “cái dấu ấn” đóng vào mình con chiên, để ghi dấu nó thuộc một ông chủ.

Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta làm cho chúng ta được thừa nhận như của riêng Người.

Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc.

Phaolô thấy đời sống Kitô hữu trong một động lực đầy sức sống : Điều đã được thực hiện hôm nay, chỉ là một bước đầu nhỏ nhoi, như là “tiền cọc”, như một “bảo chứng”…

Một ngày kia sẽ được đầy tràn, ngày kết thúc.

Ngày nay ta chỉ tham dự “một ít” vào các ân sủng Thiên Chúa.

Ngày kia mới được tràn đầy.

Tôi có nghĩ đến đời sống tôi như thế không?

Hay là tôi thích dậm chân tại chỗ?

Tuy nhiên, Thánh Thần hiện diện đó. Người thúc gục, xô đẩy, hầu tôi chấp nhận để cho người hướng dẫn.

Lạy Thần Khí Thiên Chúa, cơn gió bão của Thiên Chúa, xin nhấc bổng con lên!

Để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.

Đây là một trong các điệp khúc của bức thư: để nên lời ngợi khen vinh quang” Thiên Chúa …nên một “bài ca” cho Thiên Chúa…

Lạy Chúa, ước gì đời con hát khen vinh quang Người.

Bài đọc II: Rm 4, 1-8

Trong đoạn này, Thánh Phaolô sắp lấy ngang đời sống của Abraham. Chính ông là cha của toàn dân Do-thái. Vậy mà, Thánh Phaolô nói, ông đã không được nên công chính “ do các việc lành của ông”, nhưng “do Đức tin”. Điều đó tiêu hủy mọi mơ ước. Và phải thuyết phục những người còn tiếp tục nghĩ về ơn cứu rỗi trong quan niệm quá Do-thái.

Chúng ta phải nói gì về truyện Abraham tổ phụ theo huyết nhục của chúng ta đã gặp thấy ? nếu như Abraham nhờ việc làm mà được nên công chính thì ông có lý do mà tự hào, như không phải tự hào trước mặt Chúa.

Do việc đó, Phaolô thiết lập sự hiệp nhất thần học của hia giao ước. Ngay trong Cựu ước, chính Đức tin cứu rỗi. Chủ đề về “ sự kiêu ngạo” là một chủ đề bao quát trong tư tưởng của Phaolô : tội lỗi trước hết là sự khoa trương ( kiêu ngạo) của con người cho mình là có giá trước mặt Chúa, hoặc do sự công chính bởi việc làm ( nơi người Do-thái), hoặc do sự khôn ngoan ( nơi người Hylạp). Khi đó, con người kêu rằng “ họ có là gì cũng bởi ơn Chúa”. Tin chính là nhận biết điều đó và đón nhận tất cả bởi Chúa.

Abraham đã tin vào Thiên Chúa và điều đó được kể cho ông như sự công chính.

Lạy Chúa, xin thêm Đức tin cho chúng con.

Đối với người thợ làm việc, tiền công không kể là ân huệ, nhưng là một món nợ, còn đối với người không làm việc, nhưng tin vào Đấng làm cho người ác nên công chính, thì Đức tin của kẻ ấy được kể như là sự công chính.

Những người không muốn hiểu đã thấy một sự nhấn mạnh rõ ràng của Thánh Phaolô : ơn cứu rỗi không buộc phải ban cho ta. người ta không đáng hưởng như một công thưởng.

Không nên đặt mình trước mặt Chúa do “những quyền lợi” đòi hỏi. Thiên Chúa = “ Đấng minh chính kẻ bất lương”.

“ Đấng làm cho kẻ bất lương nên công chính”. Còn định nghĩa nào về Thiên Chúa đẹp hơn ? Lạy Chúa, xin cảm tạ vì Chúa tỏ mình cho chúng con vào ngày đó là Đấng cứu thoát.

Cũng như Đavid tuyên bố phúc đức cho con người được Thiên Chúa kể là công chính, không cần có việc làm.

Vì người ta còn chưa hiểu, ngài nhấn mạnh.

Oi, lạy Chúa, xin cho chúng con được đầy niềm xác tín này.

Điều đó không có nghĩa là trong Đức tin, chúng ta thành thụ động. Không, đức tin vận dụng cả con người vào hạot động của tình yêu. Nhưng với niềm xác tín sâu xa rằng, tất cả đều là ơn ban.

“ Khi người ta làm hết sức như không trông đợi gì nơi Chúa… còn phải đợi chờ tất cả nơi Chúa, làm như người ta đã không tự mình làm gì …” M. Blondel.

Phúc cho những ai được tha thứ sự gian ác, và được che lấp các tội lỗi.

Như thế Abraham là một tội nhân được cứu-rỗi. Mọi người đều nhận được lời mời gọi này và có thể mến hưởng hạnh phúc này..tôi có thể nói lại câu này, như kinh nguyện. Đây không phải là vui thích trong các tội riêng mình. Nhưng cùng với Thánh Phaolô, dám nghĩ rằng chúng không buộc phải là một ngăn trở tuyệt đối, trong mức độ chúng ta làm cho chúng ta cảm nghiệm rõ hơn về sự cần thiết phải có một Đấng cứu tinh. Trong trường hợp này, chúng có thể là người của một hạnh phúc mới : “ Phúc cho người…”.

Lạy Chúa, xin giúp con cải hóa “nên tốt” tất cả những gì có thể làm cho con ra xấu. Chớ gì mọi ngăn trở, nơi con và nơi người khác, nên dịp để con cậy dựa vào Chúa hơn. Theo nghĩa này, không gì tồi tệ hơn khi coi mình là công chính, hay như không có một khó khăn nào: người ta tự mãn về mình.

BÀI TIN MỪNG: Lc 12, 1-7

Trong lúc ấy, dân chúng họp hàng ngàn hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau.

Ngày nay, ta thường gọi là bể người. Bản văn Hylạp nói tới “hằng hà”. Thật mà khó xác định rõ con số của một cuộc diễu hành. Hình như Luca cũng chỉ nói đến “hàng chục ngàn” người.

Bấy giờ Đức Giêsu bắt đầu nói, trước hết là với các môn-đệ: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là tính giả hình.

Đức Giêsu tỏ ra can trường biết bao, khi Người dám bày tỏ lập trường cách công khai. Ta nên nhớ, Pharisêu là nhóm nhân vật quan trọng của thời đại, nắm giữ những vai trò đặc biệt… Đó là những con người giữ Luật cách tỉ mỉ, biết nhiều, thông thạo, chuyên môn về các vấn đề tôn giáo.

Đức Giêsu không khiển trách họ về những tư chất đó. Nhưng Người không thể chịu nổi tính cao ngạo, thái độ khinh bỉ của họ đối với những người thấp bé, những đám đông nghèo khổ không am tường “giáo lý” của họ, không hiểu các lý thuyết phúc tạp, nhiều bổn phận chi li của những nhà “ có trách nhiệm lớn lao”, của những người cho mình là “lãnh đạo” quần chúng.

Nguy hiểm lớn, thứ “men xấu” của những người nghĩ mình đang hướng dẫn và cố vấn cho kẻ khác, đòi hỏi những điều khó thực hiện…muốn gây ảnh hưởng và lên mặt dạy dỗ kẻ khác…luôn thích lộ vẻ bề ngoài như mình không có gì đáng trách, nhưng bên trong lại không chu toàn đòi hỏi mà người ta đề nghị.

Hãy đề phòng khỏi tính giả hình!

Hãy đề phòng trước những khẩu hiệu quá lố!

Hãy đề phòng tính tự mãn kiêu căng!

Bạn cũng hãy đề phòng, nếu bạn tự tin mình hoàn hảo, nếu chân lý là chính bạn!

Không có gì che giấu mà không bị tỏ lộ, không có gì bí mật rồi người ta lại không biết. Trái lại, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày ban mặt, và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.

Rõ ràng, đó là lời mời gọi sống chân thành trái ngược với tính giả hình. Kiểu cách sống “ngoại giao”, tưởng mình là tinh vi, lanh lẹ, bí mật đều trái ngược với sự đơn sơ Tin Mừng. Ngày nay người ta thường nói nhiều đến “dư luận quần chúng”. Nhưng ở đây Đức Giêsu nói đến một Giáo hội sống “giữa ban ngày ban mặt ”, đến một căn nhà bằng kiếng, mà mỗi người đều có thể nhìn và nghe thấy tất cả.

Thông thường ta không có khuynh hướng thiết lập những “nguyện đường bé nhỏ”, những câu lạc bộ đóng kín, những nhóm hoạt động ngầm..mà để được phép vào đó, phải mang ám hiệu đó sao ?

Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết : Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì được nữa.

Sống thanh niên bạch nhật, phù hợp với dư luận quần chúng, không có nghĩa là lúc nào cũng “hùa theo quan niệm đương thời”.

Thực vậy, Đức Giêsu đang chứng kiến trường hợp các môn-đệ của Người đi ngược với trào lưu và dám nói những điều không làm cho con người hài lòng. Hãy nói chân thành, không nên để ý những quan niện quá nhân loại. Đức Giêsu đã nhìn thấy rõ “cuộc bách hại”. Người yêu cầu các môn-đệ đừng hoảng sợ : “ Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác”.

Năm con chim sẽ chỉ bán được hai xu phải không ? thế mà, không một con nào bị Thiên Chúa bỏ quên. Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.

Thiên Chúa chăm sóc cả đến những vật nhỏ bé nhất trong các tạo vật. Người nhìn các con chim bé bỏng. Người quan tâm đến những vật rất tầm thường. Người để lòng đến mọi sự…Huống chi là con người !

Lạy Chúa, con tin rằng con đang hiện diện “dưới cái nhìn của Chúa”. Với niềm xác tín này, làm sao con có thể sợ hãi nữa?

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Phải can đảm làm chứng cho Chúa:

12:1 Trong lúc ấy, đám đông tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau. Bấy giờ Đức Giê-su bắt đầu nói, trước hết là với các môn đệ: "Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả.

 12:2 Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.

 12:3 Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.

 12:4 "Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa.

 12:5 Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy.

 12:6 Năm con chim sẻ chỉ bán được hai xu phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa.

 12:7 Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

HOÀN CẢNH :

Sau bao nhiêu phép lạ đi kèm với bài giảng, uy tính của Đức Giêsu càng gia tăng và lan rộng, vì thế dân chúng tụ họp quanh Người rất đông. Và đây là cơ hội Người tiếp tục giảng dạy các môn đệ và dân chúng.

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng này ghi lại lời Đức Giêsu nhắn nhủ các môn đệ phải can đảm và công khai làm chứng về Chúa.

TÌM HIỂU:

1. “Bấy giờ Đức Giêsu bắt đầu nói…” :

- Chúa nhắc các môn đệ phải tránh men, tức là tính giả hình của người Pharisêu.

2. “Không có gì che giấu..” :

- Mọi sự sẽ có ngày được phơi bày ra ánh sáng, nghĩa là tính bưng bít, dối trá, giả hình sẽ có ngày lộ ra.

3. “Tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm…” :

- Tất cả những gì các môn đệ rao giảng cách rụt rè như trong bóng tối, hay cách rỉ tai vì hoàn cảnh không thuận tiện thì sẽ đến ngày (sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống ) rao giảng cách hăng say mạnh bạo và công khai

4. “… Anh em đừng sợ…” :

- Chúa nhắc bảo các môn đệ không được sợ hãi khi người ta bách hại, vì họ chỉ làm hại được thân xác ở đời này, nhưng đời sau họ không làm gì được nữa.

5. “…Hãy sợ Đấng đã giết rồi…” :

- Nhưng hãy sợ Thiên Chúa là Đấng có uy quyền trừng phạt ở đời này và đời sau. Luca nhấn mạnh tâm tình này (1,50;18,2.4;23,40;Cv10,2.22.3).

6-7. “ Năm con chim sẻ…” :

- Năm con chim sẻ chẳng đáng giá gì , thế mà Thiên Chúa vẫn quan tâm săn sóc; sợi tóc nhỏ mọn như vậy mà Chúa cũng không quên, huống chi là con người còn đáng giá hơn nhiều. Đức Giêsu trưng dẫn những bằng chứng về sự quan phòng, chăm sóc của Thiên Chúa đối với vật thụ tạo trên đây để trấn an và khích lệ các môn đệ, hãy tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng và săn sóc để can đảm hơn trong sứ vụ tông đồ của mình.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :

1. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy các môn đệ :

- Phải tránh những gương xấu về tội giả hình của người pharisêu

- Phải can đảm tuyên xưng Danh Chúa

- Phải tránh thái độ xấu giả hình để sống ngay thật với chính mình vì Thiên Chúa và với tha nhân.

- Khi thi hành sứ vụ tông đồ, chúng ta phải can đảm chấp nhận những vất vả, thử thách và bách hại, vì những cái đó chỉ làm hại ta ở đời này thôi. Chúng ta phải sợ Thiên Chúa, Đấng có uy quyền trên cả hồn lẫn xác, đời này cũng như đời sau.

- Khi rao giảng, dù hoàn cảnh nào đi nữa, chúng ta phải tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng mọi sư, vì chúng ta là thụ tạo cao cả hơn mọi thụ tạo khác, và hơn nữa chúng ta là con cái Thiên Chúa, nên Chúa luôn quan tâm và quan phòng mọi sự cho ta.

2. Chúng ta kính sợ Thiên Chúa, vì người là vị Chúa Tể quyền năng : nhìn thấu suốt mọi sự, kể cả những kín ẩn nhất trong tâm tư, Người xét xử công minh, Người có thể giết chết xác ta và còn ném cả con người chúng ta xuống hỏa ngục.

3. Nhưng Người cũng đầy yêu thương : Người là Cha chúng ta, Người ân cần săn sóc ta như mẹ hiền săn sóc con mình. Người qúy chuộng chúng ta hơn mọi loài thụ tạo vì với chim sẻ mà Người còn quan tâm, với sợi tóc nhỏ mọn mà Người còn để ý, và chúng ta còn quý giá hơn những thụ tạo ấy.

4. Qua những lời dặn dò vừa cảnh giác vừa khích lệ trên đây, chúng ta thấy Chúa Giêsu quả là một ông thầy sành tâm lý, một người Cha đầy tình thương và một Thiên Chúa quyền năng và nhân hậu.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.